Các đề xuất sẽ hiển thị sau khi nhập thông tin vào thanh tìm kiếm. Sử dụng mũi tên lên và xuống để xem. Sử dụng phím Enter để chọn. Nếu lựa chọn của bạn là một cụm từ, cụm từ đó sẽ được gửi để tìm kiếm. Nếu đề xuất là một liên kết, trình duyệt sẽ điều hướng đến trang đó.
Quy tắc
Người tổ chức trải nghiệm

Hướng dẫn tổ chức trải nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Các trang thông tin này có thể giúp bạn bắt đầu tìm hiểu về một số điều luật và yêu cầu về đăng ký có thể áp dụng cho trải nghiệm của bạn trên Airbnb. Các trang này có phần tóm tắt một số quy tắc có thể áp dụng cho các loại hoạt động khác nhau và chứa các liên kết đến các tài nguyên của chính phủ/chính quyền mà có thể sẽ hữu ích cho bạn.

Xin lưu ý rằng các trang thông tin này không phải là toàn diện và cũng không phải là lời khuyên pháp lý. Nếu bạn không rõ luật pháp địa phương hoặc thông tin này áp dụng như thế nào đối với bản thân hoặc trải nghiệm của bạn, chúng tôi khuyên bạn nên kiểm tra với các nguồn chính thức hoặc tìm kiếm lời khuyên pháp lý.

Xin lưu ý, chúng tôi không cập nhật thông tin này trong thời gian thực, vì vậy bạn nên tự kiểm tra để xác nhận là không có thay đổi nào gần đây trong luật pháp hoặc thủ tục.*

trải nghiệm liên quan đến ẩm thực tại TP. Hồ Chí Minh

Có một số nguyên tắc cơ bản nào?

Sức khỏe và sự an toàn của khách luôn phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Ví dụ, dưới đây là những điều mà Người tổ chức trải nghiệm Alissa khuyến nghị: “Tôi luôn đảm bảo rằng nhà bếp của mình sạch sẽ và tươm tất, rằng tôi chỉ sử dụng các thành phần nguyên liệu tươi mới và tôi cũng giải thích với khách về các thành phần mà tôi sử dụng. Tôi cũng hỏi khách từ trước xem họ có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không, cũng như các quy tắc tôn giáo hoặc triết lý mà tôi cần lưu ý khi chuẩn bị bữa ăn để dùng bữa cùng với họ.”

Bạn cũng nên đưa khách đến (hoặc phục vụ đồ ăn từ) các nhà hàng có danh tiếng tốt hoặc nhà cung cấp dịch vụ ăn uống chuyên nghiệp có uy tín, đảm bảo vệ sinh cơ sở và sử dụng thành phần nguyên liệu tươi mới.

Trải nghiệm của tôi bao gồm hoạt động phục vụ đồ ăn cho khách tại nhà để kiếm tiền. Tôi có thể được xem như một cơ sở dịch vụ ăn uống không? Tôi có cần giấy phép hoặc chứng nhận gì không?

Nếu trải nghiệm của bạn có bao gồm hoạt động phục vụ bữa ăn tại nhà để kiếm tiền (tức là bạn nhận được thù lao cho việc phục vụ đồ ăn), nhà của bạn có thể được coi là một cơ sở dịch vụ ăn uống theo Luật An toàn thực phẩm. Cơ sở dịch vụ ăn uống được định nghĩa là “cơ sở chế biến thức ăn, chẳng hạn như cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thực phẩm ăn liền và thực phẩm chín, nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin hay bếp ăn tập thể”. “Thực phẩm” bao gồm cả các loại đồ uống.

Bạn không cần có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu hoạt động liên quan đến thực phẩm của bạn diễn ra trên “quy mô hộ gia đình”. Bạn chỉ cần có giấy chứng nhận nếu hoạt động liên quan đến thực phẩm đó được thực hiện trên quy mô lớn. Tuy nhiên, vì không có định nghĩa rõ ràng về “quy mô hộ gia đình”, bạn nên liên hệ với Ủy ban nhân dân quận/huyện để kiểm tra xem hoạt động của bạn có đủ tiêu chuẩn được miễn giấy chứng nhận này hay không.

Dưới đây là ví dụ về những trường hợp bạn không được coi là đang điều hành một cơ sở dịch vụ ăn uống:

  • Tôi là một người say mê ẩm thực và tôi đưa khách đến nhà hàng yêu thích của tôi tại địa phương.
  • Tôi muốn đưa khách cùng đến một lễ hội và chúng tôi sẽ dùng thực phẩm do các nhà cung cấp được cấp phép chuẩn bị.

Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Nếu bạn bắt buộc phải có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống của bạn có quy mô phục vụ dưới 200 suất ăn/lần phục vụ, bạn có thể xin cấp giấy chứng nhận này từ Ủy ban nhân dân quận/huyện liên quan. (Ví dụ, đối với Quận 1, bạn có thể lấy mẫu đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận này và nộp tại Ủy ban nhân dân Quận 1.) Tham khảo thêm thông tin tại đây.

Xin lưu ý, bạn cũng phải có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu đang hoạt động với tư cách doanh nghiệp (vui lòng xem thêm phần cấp phép kinh doanh) hoặc điều hành một nhà hàng (trong trường hợp đó bạn sẽ là một cơ sở dịch vụ ăn uống quy mô lớn).

Xin lưu ý, nếu bạn điều hành cơ sở dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong khi bạn đáng ra phải có, bạn có thể phải nộp phạt từ 500.000 đến 1.000.000 VNĐ (khoảng 22,50 đến 45 USD).

Ngoài việc xin cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tôi có phải tuân thủ quy định hay hướng dẫn nào không?

Có. Luật An toàn thực phẩm yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống (dù có bắt buộc phải có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay không) phải đảm bảo tuân thủ các quy định sau:

  1. bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến;
  2. có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) phục vụ việc chế biến, kinh doanh;
  3. có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh;
  4. cống rãnh ở khu vực nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng;
  5. nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại;
  6. có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, và phải thu dọn chất thải, rác thải hằng ngày sạch sẽ;
  7. có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín;
  8. dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh;
  9. dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô;
  10. tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  11. sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn; và
  12. chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Xin lưu ý rằng mỗi hành vi vi phạm bất kỳ quy định nào nêu trên có thể phải chịu mức phạt tiền từ 300.000 đến 10.000.000 VNĐ (khoảng 13,50 đến 450 USD).

trải nghiệm liên quan đến đồ uống có cồn tại TP. Hồ Chí Minh

Tôi dự định phục vụ/cung cấp đồ uống có cồn trong trải nghiệm của mình – tôi có cần phải có loại giấy phép nào không?

Nếu bạn mua đồ uống có chứa cồn uống (trừ bia) từ các nhà bán buôn và bán trực tiếp đồ uống này cho khách, bạn có thể được coi là tham gia bán lẻ sản phẩm rượu (theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP) và sẽ phải có giấy phép kinh doanh rượu do Sở Công thương cấp.

Tuy nhiên, trải nghiệm của bạn thuộc trường hợp ngoại lệ nếu bạn bán đồ uống có cồn để khách tiêu thụ tại chỗ (ví dụ: tại nhà của bạn) và không mang ra ngoài khu vực đó. Trong trường hợp này, bạn không bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh rượu. Tuy nhiên, bạn có thể phải thông báo cho các cơ quan công thương có liên quan về việc bán đồ uống có cồn cho khách trước khi việc tiêu thụ diễn ra tại nhà bạn. Do vẫn chưa có quy định pháp luật nào về quy trình thông báo này, vui lòng liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) để được hướng dẫn về các yêu cầu đối với việc thông báo.

Nếu bạn không rơi vào trường hợp ngoại lệ “tiêu thụ tại chỗ” và bạn bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh rượu, xin lưu ý rằng một trong những điều kiện về giấy phép kinh doanh rượu là bạn phải trưng bày giấy phép này tại cơ sở của mình, cũng như niêm yết loại và giá rượu mà bạn đang bán. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin trên trang web của Sở Công thương.

Nếu loại đồ uống có cồn mà cung cấp là bia, bạn không bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh rượu.

Trong mọi trường hợp, xin lưu ý rằng, dù bạn cung cấp loại đồ uống có cồn nào, bạn vẫn phải tuân thủ luật pháp và các quy định có liên quan theo Luật An toàn thực phẩm nếu bạn được coi là một cơ sở dịch vụ ăn uống (mặc dù bạn sẽ không bắt buộc phải có giấy chứng nhận nếu bạn hoạt động ở “quy mô hộ gia đình”. Vui lòng xem thêm trang thông tin của chúng tôi về các trải nghiệm liên quan đến thực phẩm.).

Sẽ thế nào nếu trải nghiệm của tôi diễn ra tại một quán bar?

Trong trường hợp này, bạn không bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh rượu.

Sẽ thế nào nếu trải nghiệm của tôi là dạng BYOB (tự mang theo đồ uống) và tôi muốn để khách tự mang theo đồ uống có cồn?

Bạn sẽ không bắt buộc phải có giấy phép nếu khách tự mang theo đồ uống có cồn. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên xác nhận về trường hợp của mình với cơ quan cấp phép địa phương dựa trên trải nghiệm cụ thể của bạn.

Tôi tự nấu bia hoặc tự sản xuất rượu. Tôi cần lưu ý những gì?

Nếu tự nấu bia, bạn sẽ phải có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (xem thêm Nghị định số 58/2014/TT-BCT và trang thông tin của chúng tôi về trải nghiệm liên quan đến thực phẩm). Nếu bạn sản xuất bia trên quy mô dưới 3 triệu lít mỗi năm, bạn có thể có xin giấy chứng nhận này từ Sở Công thương địa phương (trong trường hợp này là Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh).

Nếu bạn tự sản xuất rượu trên quy mô nhỏ và không sử dụng máy móc thiết bị công nghiệp, bạn sẽ phải xin Giấy phép sản xuất rượu quy mô nhỏ (theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP). “Quy mô nhỏ” được định nghĩa là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống như nồi (kháp) đồng, ống dẫn hơi rượu, bồn lạnh, v.v. ở quy mô nhỏ, do hộ gia đình, tổ chức và cá nhân thực hiện. Bạn có thể lấy mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép này và nộp tại Ủy ban nhân dân quận/huyện địa phương.

Bạn nên kiểm tra với Sở Công thương và Ủy ban nhân dân về các yêu cầu áp dụng cho trường hợp của bạn nếu có ý định sản xuất đồ uống có cồn.

Nếu trải nghiệm của tôi liên quan đến đồ uống có cồn, tôi có cần phải chú ý đến vấn đề nào khác nữa không?

Có, bạn cần đảm bảo rằng khách ở trên độ tuổi tối thiểu được phép dùng rượu bia và lưu ý về các quy định hạn chế quảng cáo.

Độ tuổi tối thiểu: Độ tuổi tối thiểu được phép dùng rượu bia ở Việt Nam là 18 và việc phục vụ hoặc bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi là phạm pháp.

Quảng cáo: Nghiêm cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15% trở lên.

Hướng dẫn tour tại TP. Hồ Chí Minh

Khi nào tôi có thể được xem là đang tiến hành kinh doanh hoạt động du lịch tại Việt Nam?

Bạn có thể được xem là đang tiến hành kinh doanh hoạt động du lịch tại Việt Nam theo Luật Du lịch nếu bạn điều hành một trong những hoạt động sau:

  • hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;
  • cơ sở lưu trú du lịch;
  • hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch;
  • hoạt động phát triển khu nghỉ dưỡng hoặc điểm du lịch; hoặc
  • hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch khác.

“Kinh doanh dịch vụ lữ hành” có định nghĩa rộng và nghĩa là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Một “chương trình du lịch” gồm có lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc chuyến đi.

Khách du lịch có nghĩa là người đi du lịch và có thể bao gồm cả người Việt và du khách nước ngoài.

Dưới đây là một số ví dụ về trường hợp bạn có thể được xem là đang tiến hành kinh doanh du lịch:

  • Tôi đưa khách đi tham quan các viện bảo tàng (ví dụ: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), các di tích lịch sử quan trọng (ví dụ: Dinh Độc lập) hoặc một số điểm tham quan nhất định của thành phố (ví dụ: Chợ Bến Thành và các chợ khác).
  • Tôi đưa khách đến một công viên giải trí (ví dụ: Công viên nước Đầm Sen) hoặc Thảo cầm viên và tôi nhận được thù lao ngoài các chi phí cho vé vào cửa.
  • Tôi đưa khách tham gia một hoạt động ngoài trời tại một điểm tham quan quan trọng, chẳng hạn như đi bộ tham quan có hướng dẫn tại một vườn quốc gia.

Dưới đây là một số ví dụ về trường hợp bạn có thể không được xem là đang tiến hành kinh doanh du lịch:

  • Tôi mời vị khách trả thù lao cho tôi thưởng thức một bữa ăn truyền thống của người Việt được chuẩn bị tại nhà tôi.
  • Tôi tổ chức lớp dạy nấu ăn về ẩm thực truyền thống Việt Nam cho khách tại nhà mình hoặc trong một nhà hàng được cấp phép.
  • Tôi tổ chức lớp học yoga cho khách tại nhà hoặc studio riêng của tôi.

Bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hiểu rõ xem trải nghiệm của bạn có được xem là tiến hành kinh doanh du lịch hay không.

Nếu tôi được xem là đang tiến hành kinh doanh du lịch tại Việt Nam: Tôi có cần đăng ký tư cách doanh nghiệp lữ hành không? Làm thế nào để đăng ký?

Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp lữ hành nhận tiền khách trả cho trải nghiệm hoặc Chuyến đi, bạn sẽ phải đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là người điều hành doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, nếu bạn đang điều hành một hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và khách của bạn là người nước ngoài (không thường trú tại Việt Nam), bạn sẽ phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Các giấy tờ cần thiết để đăng ký là:

  • mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
  • một bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bạn để tiến hành kinh doanh dịch vụ lữ hành (xem thêm phần cấp phép kinh doanh của chúng tôi);
  • các kế hoạch khai thác cho hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của bạn;
  • bằng chứng ít nhất 4 năm kinh nghiệm trong hoạt động du lịch;
  • bản sao thẻ hướng dẫn viên du lịch và hợp đồng lao động của ít nhất 3 hướng dẫn viên du lịch được tuyển dụng và được công nhận hợp lệ; và
  • giấy chứng nhận ký quỹ ít nhất 500.000.000 VNĐ (khoảng 22.500 USD) nhằm mục đích đảm bảo các nghĩa vụ của doanh nghiệp bạn.

Phí hành chính để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là 2.000.000 VNĐ (khoảng 90 USD).

Nếu bạn được coi là người điều hành doanh nghiệp lữ hành nhưng không đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và/hoặc nếu bạn thực hiện kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, bạn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 VNĐ (khoảng 900 đến 1.125 USD). Bạn cũng có thể phải nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được từ các hoạt động được tiến hành với tư cách doanh nghiệp lữ hành chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép, tùy trường hợp cụ thể.

Khi nào tôi có thể được xem là hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam?

Ngoài hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, bạn cũng có thể được xem là hướng dẫn viên du lịch. Bạn là hướng dẫn viên du lịch nếu hướng dẫn cho khách du lịch theo một “chương trình du lịch”.

Nếu tôi được xem là hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam: tôi cần biết những gì?

Xin lưu ý, với tư cách là hướng dẫn viên du lịch, bạn sẽ không thể độc lập tổ chức trải nghiệm của mình. Bạn sẽ phải liên kết với một doanh nghiệp lữ hành và trải nghiệm sẽ được tổ chức thông qua doanh nghiệp lữ hành đó.

Nếu bạn có ý định làm hướng dẫn viên du lịch, bạn phải đăng ký xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bạn sẽ phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế nếu khách của bạn là người nước ngoài và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa nếu khách của bạn là người trong nước. Để đăng ký, bạn phải có quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Việt Nam và có đầy đủ năng lực theo Luật Dân sự. Để đăng ký, bạn phải nộp các loại giấy tờ sau:

  • đơn đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế;
  • bản sao bằng cử nhân trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch hoặc chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
  • bản sao giấy tờ chứng minh việc thành thạo ít nhất một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt;
  • sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan nơi bạn đang công tác;
  • giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (đặc biệt, Luật Du lịch yêu cầu hướng dẫn viên du lịch không được mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào và không được sử dụng chất gây nghiện); và
  • 2 ảnh chân dung cỡ hộ chiếu.

Phí hành chính để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế là 650.000 VNĐ (khoảng 30 USD).

Nếu bạn làm hướng dẫn viên du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch, bạn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 VNĐ (khoảng 225 đến 450 USD). Ngoài ra, nếu bạn làm hướng dẫn viên du lịch mà không ký hợp đồng với doanh nghiệp du lịch, bạn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 VNĐ (khoảng 135 đến 225 USD). Bạn cũng có thể phải nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được từ các hoạt động được tiến hành với tư cách hướng dẫn viên du lịch chưa được cấp phép.

Nếu tôi đang điều hành doanh nghiệp lữ hành và đã đăng ký là doanh nghiệp du lịch – tôi có cần phải thuê hướng dẫn viên du lịch được cấp phép không?

Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp lữ hành và phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (xem ở trên), bạn sẽ phải thuê ít nhất 3 hướng dẫn viên du lịch được cấp phép và có thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Ngoài ra, ngay cả khi bạn là người điều hành doanh nghiệp du lịch, nếu bạn có ý định trực tiếp hướng dẫn khách, bạn cũng sẽ phải có thêm thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Trải nghiệm của tôi liên quan đến các hoạt động ngoài trời – tôi có cần tuân thủ quy định nào không?

Bạn cần thường xuyên theo dõi để biết các quy định cụ thể mà Ủy ban nhân dân quận/huyện liên quan hoặc cơ quan khác có thể thông qua tùy từng thời điểm. Bạn nên liên hệ với cơ quan cấp phép địa phương có liên quan hoặc Ủy ban nhân dân để được cập nhật.

Trải nghiệm của tôi có bao gồm việc đến khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia – tôi có cần tuân thủ quy định nào không?

Bạn cần thường xuyên theo dõi để biết các quy định cụ thể mà cơ quan liên quan có thể thông qua tùy từng thời điểm. Có thể có những quy định hạn chế hoặc cấm các tour tham quan trong một số khu bảo tồn thiên nhiên nhất định. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấm các tour tham quan ở một số khu bảo tồn vùng đất ngập nước được chỉ định. Bạn nên tham vấn cơ quan cấp phép địa phương có liên quan hoặc Ủy ban nhân dân xem có quy định đặc biệt nào có áp dụng cho trải nghiệm của bạn hay không.

trải nghiệm liên quan đến việc vận chuyển khách tại TP. Hồ Chí Minh

Tôi đang có kế hoạch đưa đón khách tham gia trải nghiệm của mình ở Việt Nam bằng xe ô tô riêng – tôi có cần giấy phép hay đăng ký để được phép làm như vậy không?

Tối thiểu bạn sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản để lái xe ô tô tại Việt Nam, đó là:

  • có giấy phép lái xe hợp lệ (loại giấy phép lái xe sẽ phụ thuộc vào loại xe bạn lái);
  • giấy chứng nhận đăng ký xe;
  • giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô; và
  • giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe. Đây là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự mà chủ xe phải có để chi trả cho trường hợp thiệt mạng, thiệt hại về thân thể hoặc tài sản cho bên thứ ba và hành khách.

Ngoài ra, nếu bạn cung cấp dịch vụ chuyên chở để nhận thù lao, bạn có thể được xem là đang tham gia hoạt động vận tải thương mại bằng đường bộ. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bắt buộc phải đăng ký. Trong khuôn khổ vận tải thương mại đường bộ, bạn có thể được xem cụ thể là đang thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thương mại và/hoặc kinh doanh vận tải khách du lịch. Khi đó, bạn phải đăng ký theo (các) ngành kinh doanh có liên quan, cũng như tuân thủ các quy tắc hiện hành theo Luật Giao thông đường bộ và/hoặc Luật Du lịch (xem thêm bên dưới).

Mặc dù trang này cung cấp một số thông tin về hoạt động vận tải hành khách thương mại và kinh doanh vận tải khách du lịch, bạn nên liên hệ với Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh/thành phố (tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) để kiểm tra xem hoạt động cụ thể của bạn có thuộc các danh mục này hay không.

Vận tải hành khách thương mại

Theo Luật Giao thông đường bộ, nếu bạn có ý định cung cấp dịch vụ vận tải hành khách thương mại theo các tuyến cố định với các điểm khởi hành và điểm đến được xác định theo lịch trình và hành trình nhất định (VSIC 4931), trước tiên bạn phải đăng ký tư cách hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (lưu ý rằng hợp tác xã phải có ít nhất 7 thành viên) để thực hiện ngành nghề kinh doanh này (xem thêm phần cấp phép kinh doanh).

Ngoài việc đăng ký kinh doanh, bạn sẽ cần phải đăng ký và xin Giấy phép kinh doanh vận tải từ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn có thể trực tiếp đến nộp Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải tại Sở Giao thông Vận tải hoặc qua đường bưu điện.

Để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách thương mại, doanh nghiệp của bạn cũng sẽ phải tuân thủ các điều kiện liên quan theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, bao gồm cả việc tuyển dụng và đào tạo tài xế điều khiển phương tiện của bạn, thực hiện kế hoạch an toàn giao thông và đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ sử dụng của phương tiện. Ngoài ra, vui lòng lưu ý rằng người điều khiển phương tiện “không được là tài xế hoặc nhân viên phục vụ” của doanh nghiệp. Điều này ngụ ý rằng nếu bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp vận hành hoạt động vận tải, bạn không được là người điều khiển phương tiện.

Để xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, bạn cần nộp các loại giấy tờ sau (Nghị định số 86/2014/NĐ-CP):

  • đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải;
  • một bản sao có chứng thực của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • một bản sao có chứng thực bằng cấp hoặc giấy chứng nhận của người điều hành hoạt động kinh doanh vận tải; và
  • một bản Kế hoạch kinh doanh vận tải.

Phí hành chính để xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải là 200.000 VNĐ (khoảng 9 USD). Giấy phép kinh doanh vận tải có giá trị trong 7 năm và có thể gia hạn. Xin lưu ý, nếu bạn lái xe chở khách khi không có Giấy phép kinh doanh vận tải mà bạn đáng ra phải có, bạn có thể phải nộp phạt từ 7.000.000 đến 20.000.000 VNĐ (khoảng 315 USD đến 900 USD).

Dịch vụ vận tải khách du lịch

Nếu bạn có ý định vận hành một doanh nghiệp cung cấp (i) dịch vụ vận tải cho khách du lịch dọc theo các tuyến du lịch theo các chương trình du lịch và tại các khu du lịch, điểm du lịch và thành phố, hoặc (ii) dịch vụ vận tải không theo tuyến cố định được thực hiện theo các chương trình du lịch, bạn sẽ được xem là đang vận hành một doanh nghiệp vận tải khách du lịch (VSIC 4932). (Vui lòng xem thêm thông tin về hướng dẫn du lịch của chúng tôi.)

Bạn sẽ cần đăng ký tư cách doanh nghiệp để điều hành hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch (xem thêm phần cấp phép kinh doanh). Là một doanh nghiệp vận tải du lịch, bạn cũng sẽ phải tuân thủ các yêu cầu đối với vận tải hành khách thương mại, bao gồm việc xin cấp Giấy phép vận tải và tuân thủ các điều kiện liên quan theo Luật Giao thông đường bộ (xem ở trên).

Ngoài ra, bạn sẽ cần tuân thủ các điều kiện liên quan theo Luật Du lịch và Luật Giao thông đường bộ (có trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP), áp dụng cho các doanh nghiệp vận tải khách du lịch. Các yêu cầu này bao gồm phải có logo do Sở Giao thông Vận tải cấp, sử dụng các tài xế đã qua đào tạo, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho hành khách, cũng như mang theo một bản sao của văn bản hợp đồng chuyên chở hành khách, chương trình du lịch và danh sách hành khách trong suốt hành trình. Nếu xe của bạn có trọng tải từ 10 hành khách trở lên, bạn cũng sẽ phải thông báo cho Sở Giao thông Vận tải về thông tin chi tiết của hoạt động vận tải, bao gồm lịch trình và số lượng hành khách. Nếu bạn có ý định chuyên chở khách với khoảng cách từ 300 km trở lên cho trải nghiệm của mình, doanh nghiệp của bạn phải có đội xe gồm ít nhất 10 xe (nếu trụ sở chính của bạn đặt tại một thành phố trực thuộc trung ương) hoặc 5 xe (đối với các địa phương khác).

Là một doanh nghiệp vận tải khách du lịch, doanh nghiệp của bạn cũng phải mua thêm bảo hiểm hành khách cho khách trên xe của bạn.

Tôi đang có kế hoạch đưa đón khách tham gia trải nghiệm của mình ở Việt Nam bằng xe máy riêng – tôi có cần giấy phép hay đăng ký để được phép làm như vậy không?

Bạn sẽ phải đáp ứng yêu cầu cơ bản để được điều khiển xe máy tại Việt Nam, đó là:

  1. có giấy phép lái xe hợp lệ (hạng A1 hoặc A2 tùy theo loại xe máy);
  2. giấy chứng nhận đăng ký xe; và
  3. giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe. Đây là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự mà chủ xe phải có để chi trả cho trường hợp thiệt mạng, thiệt hại về thân thể hoặc tài sản cho bên thứ ba và hành khách.

Ngoài các yêu cầu cơ bản để điều khiển xe máy, bạn không bắt buộc phải có thêm loại giấy phép nào để chở khách bằng xe máy. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên liên hệ với Sở Giao thông Vận tải để xác nhận điều này.

Nếu bạn có ý định chở khách bằng xe máy, vui lòng cẩn thận để đảm bảo an toàn cho khách. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định các quy tắc mà bạn phải luôn tuân thủ. Các quy định này bao gồm không chở nhiều hơn một hành khách người lớn đi cùng bạn trên xe máy (trừ khi trong tình huống khẩn cấp), đảm bảo rằng bạn và hành khách đều đội mũ bảo hiểm và cài dây mũ bảo hiểm đúng quy định qua cằm, không chở theo đồ vật cồng kềnh hay có những hành vi khác có thể ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.

Trải nghiệm của tôi có bao gồm việc đến một vài địa điểm riêng biệt, không gần đến mức có thể đi bộ. Tôi muốn cung cấp phương tiện di chuyển giữa các địa điểm. Tôi có ý định đặt xe Uber hoặc taxi có giấy phép hay hình thức vận chuyển được cấp phép khác. Tôi có cần một loại giấy phép cụ thể nào để được phép làm như vậy không?

Bạn sẽ không bắt buộc phải có giấy phép để đặt phương tiện vận chuyển với một nhà cung cấp dịch vụ vận tải được cấp phép nếu bạn chỉ thực hiện đặt chỗ tại chỗ và bạn không thu phí cho dịch vụ này.

Nếu bạn áp dụng một khoản phí riêng để sắp xếp phương tiện vận chuyển được cấp phép, bạn có thể được coi là đang thực hiện một hoạt động kinh doanh du lịch. Tại Việt Nam, ngành nghề kinh doanh VSIC 7920 về các hoạt động dịch vụ liên quan đến du lịch bao gồm cả “dịch vụ đặt chỗ cho mục đích vận chuyển liên quan đến hoạt động du lịch”. Nếu bạn được xem là đang thực hiện một hoạt động kinh doanh du lịch, bạn sẽ phải đăng ký tư cách doanh nghiệp du lịch để thực hiện ngành nghề kinh doanh này (xem thêm phần về hướng dẫn tour để biết thêm thông tin).

Nếu còn thắc mắc, bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hiểu rõ xem trải nghiệm của bạn có được xem là đang thực hiện một hoạt động kinh doanh du lịch bắt buộc phải đăng ký hay không.

Cấp phép kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh

Tôi có thể là một doanh nghiệp không? Khi nào tôi có thể được xem là đang thực hiện một công việc kinh doanh?

Bạn đang tham gia hoạt động kinh doanh nếu hoạt động của bạn liên quan đến việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ để kiếm lợi nhuận.

Tôi có thể chọn sử dụng cơ cấu pháp lý nào?

Người tổ chức trải nghiệm là công dân Việt Nam

Nếu bạn là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp và là công dân Việt Nam, có 3 cơ cấu chính thường được áp dụng là (a) doanh nghiệp tư nhân, (b) hộ kinh doanh, và (c) công ty trách nhiệm hữu hạn.

Doanh nghiệp cá thể là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một cá nhân (ví dụ như bạn, với tư cách là Người tổ chức). Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp cá thể có trách nhiệm không giới hạn liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh là một cơ sở kinh doanh có một địa điểm kinh doanh duy nhất (tức là “hộ gia đình”) và có dưới 10 người lao động. Là hộ kinh doanh, bạn (với tư cách Người tổ chức) sẽ chịu trách nhiệm và có trách nhiệm không giới hạn liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp. Xin lưu ý, hộ kinh doanh không phải là một loại hình “doanh nghiệp”, và bạn không thể đăng ký tư cách hộ kinh doanh để thực hiện các hoạt động kinh doanh yêu cầu phải có tư cách “doanh nghiệp”, chẳng hạn như doanh nghiệp du lịch.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Người tổ chức. Theo cơ cấu kinh doanh này, Người tổ chức sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các trách nhiệm nợ khác của công ty tới mức tối đa là vốn điều lệ đăng ký của công ty.

Người tổ chức là người nước ngoài

Nếu bạn là người nước ngoài, bạn không được thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cá thể mà phải thành lập công ty. Ngoài ra, Người tổ chức là người nước ngoài sẽ phải tuân theo các quy định trong Luật Đầu tư. Bạn luôn phải liên hệ với cơ quan cấp phép địa phương (xem bên dưới) để biết các yêu cầu hiện hành hoặc tìm đến một chuyên gia pháp lý để được tư vấn.

Có yêu cầu nào về đăng ký kinh doanh hoặc cấp phép cho các doanh nghiệp tại Việt Nam không?

Có, bạn sẽ phải đăng ký doanh nghiệp cá thể, hộ kinh doanh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn của mình bằng cách nộp đơn đề nghị đăng ký với các cơ quan cấp phép có liên quan.

Doanh nghiệp cá thể và công ty trách nhiệm hữu hạn

Để đăng ký doanh nghiệp cá thể hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (tại số 32 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại đây. Tham khảo thêm thông tin về các giấy tờ cần thiết để đăng ký và lệ phí áp dụng tại đây. Khi đơn đăng ký được phê duyệt, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh

Để đăng ký hộ kinh doanh, bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh của quận/huyện có liên quan hoặc qua trang web của phòng đó (ví dụ: tại Quận 1, bạn có thể nộp qua trang web tại đây). Tham khảo thêm thông tin về các giấy tờ cần thiết để đăng ký và lệ phí áp dụng tại đây. Khi đơn đăng ký được duyệt, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh từ cơ quan cấp phép.

Trường hợp ngoại lệ được áp dụng khi hộ kinh doanh của bạn cung cấp các dịch vụ có doanh thu thấp (sẽ do tỉnh của bạn xác định). Trong trường hợp này, hộ kinh doanh của bạn sẽ không bắt buộc phải đăng ký. Tuy nhiên, ngoại lệ này không được áp dụng nếu hộ kinh doanh của bạn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vui lòng liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh của quận/huyện có liên quan để xác nhận nếu bạn không chắc chắn là hộ kinh doanh của bạn có bắt buộc phải đăng ký hay không.

Người tổ chức là người nước ngoài

Nếu bạn đăng ký một công ty trách nhiệm hữu hạn với tư cách người nước ngoài, xin lưu ý rằng bạn sẽ phải tuân theo các thủ tục bổ sung, bao gồm đánh giá dự án đầu tư và xem xét tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Bạn luôn phải liên hệ với cơ quan cấp phép địa phương để biết các yêu cầu hiện hành hoặc tìm đến một chuyên gia pháp lý để được tư vấn.

Các hình thức phạt

Nếu bạn thực hiện kinh doanh mà không có giấy tờ đăng ký phù hợp, bạn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 15.000.000 VNĐ (khoảng 135 đến 675 USD). Bạn cũng có thể buộc phải đăng ký kinh doanh, nếu không thì phải ngừng hoạt động. Nếu bạn không chắc chắn là mình có đang hoạt động với tư cách doanh nghiệp hay có bắt buộc phải đăng ký hay không, tốt nhất bạn nên liên hệ với kế toán hoặc cố vấn pháp lý của mình.

Nếu tôi là doanh nghiệp – Tôi có cần phải lưu ý điều gì khi giao dịch với người tiêu dùng không?

Việt Nam đã có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp của bạn sẽ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng để sử dụng cho cá nhân, cho gia đình hoặc cho các tổ chức, bạn nên lưu ý đến những điều luật này.

Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng, bạn phải đáp ứng nhiều nghĩa vụ trong đó bao gồm:

  1. giữ an toàn và bảo mật thông tin của người tiêu dùng;
  2. cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về trải nghiệm mà bạn sẽ tổ chức;
  3. cảnh báo người tiêu dùng về mọi rủi ro tiềm ẩn mà trải nghiệm của bạn có thể gây ra đối với sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản của họ; và
  4. đảm bảo rằng mọi hợp đồng mà bạn ký với người tiêu dùng, nếu có, đều rõ ràng và dễ hiểu.

Bạn có thể tham khảo bản sao của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nêu chi tiết nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, tại đây.

Bạn cũng nên kiểm tra các quy định về thuế và quy tắc kế toán áp dụng cho mình cũng như đảm bảo bạn đã có bảo hiểm phù hợp để chi trả cho tất cả các hoạt động mà bạn sẽ cung cấp.

trải nghiệm liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, lớp dạy âm nhạc, hoạt động thể thao hoặc hoạt động ngoài trời tại TP. Hồ Chí Minh

Trải nghiệm của tôi có liên quan đến việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật – tôi có bắt buộc phải có loại giấy phép hay giấy tờ cấp phép nào không?

“Biểu diễn nghệ thuật” được định nghĩa là trình diễn chương trình, tiết mục, vở diễn trực tiếp trước công chúng của người biểu diễn. Các hình thức này bao gồm cả ca, múa, nhạc và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (theo Điều 2, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP).

Bạn sẽ không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật từ Cục Nghệ thuật biểu diễn hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu: (a) bạn thực hiện một buổi biểu diễn nghệ thuật tại nhà (vì bạn có thể được xem như đang tổ chức một buổi biểu diễn cho mục đích nội bộ); hoặc (b) nếu bạn thực hiện một buổi biểu diễn nghệ thuật miễn phí tại một cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng hoặc quán giải khát.

Nếu bạn đang thực hiện biểu diễn nghệ thuật ngoài các trường hợp nêu trên, khả năng cao là bạn phải có giấy phép biểu diễn nghệ thuật. Tại nơi tổ chức trải nghiệm, bạn có thể được xem như một “đơn vị địa phương” (trái ngược với một “cơ quan trung ương” mà chúng tôi hiểu là thường chỉ các cơ quan chính quyền và chịu sự giám sát của Cục Nghệ thuật biểu diễn). Là một đơn vị địa phương đóng vai trò tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bạn sẽ phải nộp đơn lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về quy trình đăng ký và các loại giấy tờ cần nộp đối với đơn vị địa phương tại đâytại đây.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu việc biểu diễn sẽ được thực hiện bởi các cá nhân không phải là người Việt Nam hoặc cá nhân người Việt Nam từ nước ngoài về, bạn sẽ phải xin giấy phép riêng từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (nếu bạn là một đơn vị địa phương).

Xin lưu ý, nếu bạn bắt buộc phải có giấy phép biểu diễn nhưng không có giấy phép này trước khi tiến hành biểu diễn nghệ thuật, bạn có thể phải nộp phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 VNĐ (khoảng 450 đến 675 USD).

Tôi bắt buộc phải có giấy phép biểu diễn để được biểu diễn nghệ thuật trong trải nghiệm của mình. Tôi cần tuân thủ những quy định nào khác?

Nếu bạn sở hữu địa điểm sẽ dùng để tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bạn phải tuân thủ các quy định sau (theo Điều 7.1, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP):

  • không được phát hành nhiều vé hơn số lượng chỗ ngồi hoặc sức chứa của địa điểm để đảm bảo chất lượng biểu diễn nghệ thuật;
  • đảm bảo âm thanh biểu diễn không vượt quá giới hạn tiếng ồn cho phép;
  • bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
  • đảm bảo các quy định của cơ sở được niêm yết tại địa điểm tổ chức; và
  • đảm bảo các buổi biểu diễn nghệ thuật tiếp diễn sau 00:00 đến 08:00 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu bạn là nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bạn phải tuân thủ các quy định sau (theo Điều 7.2, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP), được sửa đổi tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP):

  • thông báo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về buổi biểu diễn và nội dung biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước thời điểm biểu diễn;
  • tuân thủ các điều luật về quyền tác giả và các quyền liên quan;
  • chỉnh sửa các tác phẩm biểu diễn cho phù hợp với độ tuổi và giới tính của khán giả khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em, và phải có sự đồng ý từ người giám hộ của trẻ; và
  • không phát tán, lưu hành hình ảnh cá nhân hoặc các chương trình hay tác phẩm biểu diễn có nội dung hay hình thức đi ngược lại giá trị, tiêu chuẩn đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục hay truyền thống văn hóa của Việt Nam trên các mạng viễn thông.

Xin lưu ý, ngay cả khi hoạt động biểu diễn nghệ thuật của bạn không bắt buộc phải có giấy phép biểu diễn, bạn vẫn sẽ phải tuân thủ các quy định nêu trên theo Điều 7.1 và các quy định từ khoản (a) đến (c) theo Điều 7.2.

Xin lưu ý, với tư cách là chủ sở hữu của địa điểm hoặc là nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật, nếu bạn không tuân thủ điều kiện bất kỳ nào được đề cập ở trên, bạn có thể phải nộp phạt từ 1.000.000 đến 15.000.000 VNĐ (khoảng 45 đến 675 USD) cho mỗi lần vi phạm hoặc phải chịu các hình thức phạt khác do các cơ quan có liên quan xác định.

Trải nghiệm của tôi có liên quan đến việc tổ chức lớp dạy âm nhạc hoặc khiêu vũ/múa – tôi có bắt buộc phải có loại giấy chứng nhận nào không?

Có. Nếu bạn muốn tổ chức các lớp dạy âm nhạc hoặc khiêu vũ/múa để kiếm lợi nhuận, bạn phải có một pháp nhân được thành lập và đăng ký để kinh doanh dịch vụ giảng dạy âm nhạc (theo Điều 6, Quyết định số 07/2003/BVHTT) hoặc dạy khiêu vũ/múa (theo Điều 6, Quyết định số 23/2001/QĐ-BVHTT). Vui lòng xem thêm phần cấp phép kinh doanh. Nếu bạn dạy âm nhạc hoặc khiêu vũ/múa mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp của bạn có thể phải nộp phạt từ 3.000.000 đến 7.000.000 VNĐ (khoảng 135 đến 315 USD).

Ngoài ra, để giảng dạy âm nhạc, bạn phải có bằng cấp hoặc chứng nhận về âm nhạc từ một cơ sở đào tạo đủ điều kiện ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Bạn cũng có thể liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được đánh giá độc lập.

Để dạy khiêu vũ/múa, bạn sẽ phải đáp ứng một số yêu cầu, bao gồm cả việc có sức khỏe tốt và có chứng nhận liên quan từ một tổ chức đào tạo khiêu vũ/múa hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hiểu các yêu cầu cụ thể được áp dụng cho bạn và để đảm bảo rằng bạn đáp ứng các yêu cầu này trước khi tiến hành giảng dạy. Xin lưu ý, nếu tổ chức giảng dạy âm nhạc hoặc khiêu vũ/múa của bạn sử dụng giáo viên không đủ tiêu chuẩn, tổ chức này có thể phải nộp phạt.

Trải nghiệm của tôi có liên quan đến hoạt động thể thao – tôi có bắt buộc phải có loại giấy phép hoặc giấy chứng nhận nào không?

Luật Thể dục, thể thao quy định về các “hoạt động thể thao”, bao gồm việc sử dụng cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị thể thao để cung cấp dịch vụ tập luyện, huấn luyện, biểu diễn hoặc thi đấu thể thao vì mục đích lợi nhuận.

Nếu trải nghiệm của bạn có bao gồm hoạt động thể thao, bạn có thể bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố/thị xã. Để được cấp giấy chứng nhận này, bạn phải nộp các loại giấy tờ hỗ trợ có liên quan lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bạn (xem thêm phần cấp phép kinh doanh). Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về việc cấp phép hoạt động thể thao tại trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu bạn không chắc chắn là hoạt động của bạn có thuộc danh mục “hoạt động thể thao” hay không, tốt nhất bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xác nhận.

Xin lưu ý, nếu bạn tiến hành hoạt động thể thao mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trong khi bạn đáng ra phải có, bạn có thể phải nộp phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 VNĐ (khoảng 225 đến 450 USD).

Ngoài việc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, cơ sở kinh doanh tham gia hoạt động thể thao của bạn cần tuân thủ các quy định sau (theo Điều 5, Nghị định số 106/2016/NĐ-CP):

  • có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng yêu cầu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định (Bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hiểu về các yêu cầu này.);
  • có đủ năng lực tài chính để tiến hành kinh doanh hoạt động thể thao; và
  • có nhân viên nghiệp vụ đủ tiêu chuẩn theo pháp luật (huấn luyện viên, nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế).

Nếu bạn không tuân thủ quy định bất kỳ nào nói trên, bạn có thể phải nộp phạt từ 1.000.000 đến 10.000.000 VNĐ (khoảng 45 đến 450 USD) hoặc phải chịu các hình thức phạt khác do cơ quan có liên quan áp dụng.

Ngoài ra, nếu cơ sở kinh doanh của bạn có tổ chức hoạt động thể thao mạo hiểm, cơ sở này có thể phải tuân theo các yêu cầu bổ sung do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định (theo Điều 10, Nghị định số 106/2016/NĐ-CP).

Nếu bạn có ý định đưa yoga vào trải nghiệm của mình, xin lưu ý rằng các huấn luyện viên yoga phải có chứng nhận và cơ sở vật chất, trang thiết bị của bạn phải đáp ứng các điều kiện nhất định được quy định trong Thông tư số 11/2016/TT-BVHTTDL. Bạn nên liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Liên đoàn Yoga Việt Nam để tìm hiểu về yêu cầu cụ thể của những quy định này.

*Airbnb không chịu trách nhiệm về độ tin cậy hay tính chính xác của thông tin có trong bất kỳ liên kết nào đến các trang web của bên thứ ba (bao gồm cả những liên kết đến luật pháp và quy định).

Bài viết này có giúp ích cho bạn không?
Nhận sự trợ giúp về đặt phòng/đặt chỗ, tài khoản và các vấn đề khác.
Đăng nhập hoặc đăng ký